6 lưu ý khi giao địa phương làm cao tốc Bắc – Nam

Chuyên gia cho rằng địa phương làm cao tốc sẽ thuận tiệntrong việc giải phóng mặt bằng, kiểm soát tốt nguồn vật liệu nhưng rủi ro rất lớn là về chất lượng công trình.

“Việc Chính phủ đề xuất giao các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021-2025) bằng vốn ngân sách nhà nước, tôi cho rằng cần phải xem xét lại”.

Ông Nguyễn Chung Khánh, nguyên Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án 7 (Bộ GTVT), nêu vấn đề như trên với báo Pháp Luật TP.HCM xung quanh việc nối thông tuyến cao tốc Bắc – Nam.

Bộ GTVT phải “cầm tay chỉ việc” cho địa phương

Phóng viênVừa qua Chính phủ đã giao một số địa phương làm chủ đầu tư các dự án PPP và được xã hội đánh giá cao. Vậy tại sao chúng ta không tiếp tục triển khai?

+ Ông Nguyễn Chung Khánh: Dự án PPP giao cho các địa phương nhưng vẫn có doanh nghiệp dự án (nhà đầu tư) trực tiếp quản lý, triển khai. Nhà đầu tư là đơn vị có chuyên môn và chịu toàn bộ trách nhiệm về mặt kỹ thuật. Trong khi đó, đối với các dự án đầu tư công, vai trò của chủ đầu tư rất lớn, từ lựa chọn phương án thiết kế, chọn nhà thầu, tổ chức thi công và giám sát.

Hơn nữa thời gian qua, địa phương từng làm đường bộ cao tốc như Quảng Ninh, Tiền Giang… gần như Bộ GTVT cũng phải “cầm tay chỉ việc” cho các BQL dự án tỉnh.

. Theo ông, nếu giao cho các tỉnh làm chủ đầu tư dự án thì có những thuận lợi và lo ngại gì?

+ Không thể phủ nhận nếu địa phương làm cao tốc sẽ thuận tiện trong việc giải phóng mặt bằng, kiểm soát tốt nguồn vật liệu. Tuy nhiên, đường bộ cao tốc Bắc – Nam là dự án cấp đặc biệt, quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật rất phức tạp nên đòi hỏi đội ngũ phải có bề dày kinh nghiệm. Trong khi đó, ngoài một số tỉnh, thành đã từng làm đường cao tốc như Quảng Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, TP.HCM thì đa số địa phương khác chưa có kinh nghiệm.

Các tỉnh hiện nay cũng mới được giao triển khai dự án vừa và nhỏ, với tổng mức đầu tư chỉ 2.000-3.000 tỉ đồng, cấp kỹ thuật không phức tạp. Nếu giao ngay cho họ một dự án lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao thì đó là thách thức rất lớn.

Vậy việc một BQL dự án thiếu kinh nghiệm và trình độ quản lý kỹ thuật sẽ dẫn đến những hậu quả gì, thưa ông?

+ Chúng ta thấy cùng tuyến quốc lộ 1A, đoạn Ninh Thuận – Khánh Hòa đưa vào sử dụng từ năm 2015 dù đối diện với bão, lũ nhiều nhưng đến nay chất lượng vẫn tốt. Trong khi đó đoạn qua tỉnh Phú Yên thì hư hỏng liên tục, Nhà nước phải bỏ tiền ra sửa…

Nguyên nhân ở đây theo tôi là do trình độ quản lý kỹ thuật có sự khác nhau, chứ không phải có ông nào “bớt xén” dẫn đến hư hỏng.

Từ thực tế quản lý thi công, tôi thấy một BQL có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt sẽ xây dựng những công trình có tuổi thọ kéo dài 10-20 năm. Ngược lại, nếu gặp BQL kém, không biết lựa chọn các giải pháp thi công phù hợp dự án chỉ sử dụng được 2-3 năm là hỏng, ổ gà, ổ voi, “đánh luống” ngay.

Nguy cơ lãng phí

. Nếu chúng ta cứ lo ngại địa phương không đảm đương được thì cơ hội nào để họ có kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn, chia sẻ trách nhiệm với trung ương?

+ Nếu chúng ta xem đây là học phí thì tôi không bàn. Các địa phương họ vẫn làm được nhưng như tôi đã phân tích ở trên, học phí này sẽ không hề rẻ và để lại hậu quả lâu dài.

Một địa phương chưa từng triển khai dự án đường bộ cao tốc lần nào thì làm sao họ có trình độ quản lý kỹ thuật được. Cạnh đó, không phải địa phương nào cũng có trình độ quản lý kỹ thuật giống nhau. Do đó, nguy cơ lãng phí theo tôi rất hiện hữu.

. Vậy quan điểm cá nhân của ông nên giao đơn vị nào làm chủ đầu tư triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2?

+ Tóm lại, có sáu lưu ý khi giao địa phương làm cao tốc: Thứ nhất, khó đảm bảo tính đồng bộ, do mỗi tỉnh sẽ triển khai khác nhau. Thứ hai, công tác chỉ đạo điều hành phân tán, không tập trung. Thứ ba, khó đảm bảo sự đồng bộ đấu nối giữa các đoạn, các tỉnh với nhau và khó khăn trong phân đoạn dự án.

Thứ tư, vướng quy định pháp luật về việc giao vốn trung ương cho các tỉnh vì vốn trung hạn đã được giao cho Bộ GTVT. Thứ năm, năng lực quản lý dự án của các địa phương hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thứ sáu, vai trò và trách nhiệm của Bộ GTVT đối với việc giao cho các tỉnh quản lý triển khai các dự án thành phần.

Như vậy, theo tôi, giao cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư là hợp lý nhất. Ngoài đội ngũ chuyên nghiệp, Bộ GTVT cũng sẽ ban hành các quy định thống nhất về mặt kỹ thuật trên toàn tuyến.

. Xin cám ơn ông.

Bà Rịa-Vũng Tàu xin trả dự án vì không đủ kinh nghiệm

Chính phủ từng giao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai) – Vũng Tàu. Tuy nhiên, sau một thời gian, địa phương này đề xuất giao lại cho Bộ GTVT.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án này đòi hỏi rất cao về yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, phương án thiết kế, tổ chức giao thông cũng như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành trong quá trình thực hiện dự án. Hơn nữa, Bộ GTVT là đơn vị nghiên cứu dự án, nếu giao cho địa phương sẽ mất thời gian nghiên cứu hồ sơ, nên giao lại cho Bộ GTVT là phù hợp.

Việc địa phương trả lại dự án khiến việc đầu tư cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kéo dài tiến độ đến nay.

Viết Long – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Chuyên gia cho rằng cao tốc là dự án quan trọng, đòi hỏi chủ đầu tư phải có kinh nghiệm và trình độ quản lý chuyên ngành. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/do-thi/6-luu-y-khi-giao-dia-phuong-lam-cao-toc-bac-nam-1030778.html