Theo UBND TP.HCM, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đã được lập từ 10 năm trước, hiện đã có nhiều khác biệt so với thực tế phát triển của đô thị TP nên cần có sự điều chỉnh.
UBND TP.HCM vừa có tờ trình chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ về đề nghị thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Trong tờ trình, UBND TP nêu rõ năm nội dung điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn TP. Việc điều chỉnh này đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm của TP.
Định hướng quy hoạch TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 là hướng không gian TP tới một cơ cấu hoàn chỉnh. Nhiệm vụ quy hoạch chung cũng giống như là cách dự báo, dự kiến sẽ hình thành đô thị với kiến trúc chung như vậy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đầu tư phát triển chứ không phải chờ quy hoạch mới làm. Mặt khác, chúng ta cần chú ý đến vấn đề làm hạ tầng giao thông, vì kết nối giao thông không phải làm một ngày, hai ngày là xong, mà cần thời gian để hoàn thành. TP cần phát triển giao thông để thu hút đầu tư hơn trong tương lai. Ông KHƯƠNG VĂN MƯỜI, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM |
Lý do điều chỉnh không gian đô thị
“Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt ngày 6-1-2010. Đến thời điểm hiện tại đã phát sinh những vấn đề mới mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị, ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt” – ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu trong tờ trình gửi Thủ tướng.
Theo đó, TP.HCM hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, không khí, sụt lún đất kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, mưa thất thường, xâm nhập mặn. Thực trạng trên khiến các vấn đề đô thị như ngập úng, ô nhiễm môi trường… diễn biến ngày càng phức tạp.
Vì vậy, nội dung điều chỉnh lần này phải nghiên cứu, xem xét các yếu tố nêu trên. Từ đó, có các giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa chất, thủy văn từng khu vực; tính hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường. Tính khả thi, khả năng lồng ghép với việc phát triển đô thị ở từng giai đoạn, phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong tình hình mới và phù hợp với quy hoạch vùng xung quanh.
“Qua kết quả đánh giá, rà soát tình hình thực hiện quy hoạch nêu trên, có thể thấy trải qua 10 năm, tính từ thời điểm tổ chức lập, đồ án đã có nhiều khác biệt so với thực tế phát triển của đô thị” – tờ trình của UBND TP.HCM nêu rõ.
Việc điều chỉnh quy hoạch lần này hướng tới những yêu cầu như nhằm cung cấp công cụ quản lý phát triển đô thị một cách hiệu quả và bền vững, thông qua đổi mới về phương pháp và sản phẩm quy hoạch.
Trong đó, phối hợp các chương trình, dự án quan trọng của TP trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao. Đồng thời, giải quyết các vấn đề bất cập về liên kết vùng, phân bố dân cư, các chương trình phát triển quỹ nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên… theo hướng tích hợp và phù hợp với nguồn lực của TP.
Các nội dung điều chỉnh
Với các phân tích nêu trên, UBND TP.HCM đã đưa ra năm nội dung điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn TP trong tương lai.
Thứ nhất: Điều chỉnh định hướng phát triển hệ thống đô thị trong TP. Xác định quy mô, chức năng, phạm vi của khu vực đô thị trung tâm; vị trí, quy mô, tính chất, chức năng, phạm vi và nguyên tắc phát triển của các đô thị khác.
Thứ hai: Điều chỉnh định hướng các vùng chức năng khác cho toàn TP (công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, sinh thái, bảo tồn…). Đồng thời, xác định tính chất, phạm vi, quy mô và nguyên tắc phát triển của vùng chức năng.
Thứ ba: Điều chỉnh định hướng phát triển các khu vực dân cư nông thôn; xác định vị trí trung tâm cụm xã, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn tập trung và mô hình, nguyên tắc phát triển.
Thứ tư: Điều chỉnh định hướng phát triển các trục không gian, hành lang phát triển đô thị của TP, xác định tính chất và nguyên tắc phát triển.
Thứ năm: Xác định phạm vi, giới hạn phát triển không gian của khu vực đô thị trung tâm và các đô thị thuộc TP; khu vực nội thành, ngoại thành; các khu vực cần lập quy hoạch chung đô thị; quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng; quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng xã.
Ngoài ra, UBND TP cũng lưu ý việc điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn TP phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm trong vùng TP. Trong đó, đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa TP.HCM với TP Thủ Đức; giữa khu cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống cảng biển để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của TP.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cũng đảm bảo phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ những cấu trúc sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động biến đổi.
Xác định các nội dung quan trọng khi điều chỉnh Trong điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian cho khu vực đô thị trung tâm TP.HCM, TP xác định các nội dung quan trọng sau: Xác định hướng phát triển, mở rộng khu vực đô thị trung tâm. Xác định các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm, gồm: Hệ thống công trình ngầm; vị trí, quy mô tổ hợp công trình ngầm đa năng. Đồng thời, đề xuất các khu vực trọng tâm cần lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị. Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước, điểm nhấn trong đô thị… Quy mô dân số: Dự kiến đến năm 2040, dân số toàn TP.HCM khoảng 13-14 triệu người (bao gồm TP Thủ Đức khoảng 1,9 triệu người; nghiên cứu vùng huyện Cần Giờ khoảng 600.000 người, trong đó khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người). Quy mô đất đai phát triển đô thị: Đến năm 2040, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 100.000-110.000 ha. |
Kiên Cường – Báo PLO.VN
Theo PLO.VN
Ảnh: Nội dung điều chỉnh quy hoạch TP.HCM lần này có nghiên cứu, xem xét các yếu tố về môi trường, khí hậu của TP. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/do-thi/5-dieu-chinh-cau-truc-khong-gian-toan-tphcm-trong-tuong-lai-1011361.html