Sau một thời gian dài, lần đầu tiên số ca tử vong do Covid-19 tại TP HCM đã xuống mức 2 con số (96 người). Đây là một trong những tín hiệu tích cực, lạc quan trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP
Chiều 1-10, tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM, cho biết số bệnh nhân (BN) nặng đang thở máy giảm; số BN xuất viện tăng và số BN nhập viện giảm; ca tử vong giảm đáng kể.
Số tử vong giảm còn hai con số
Theo ông Phạm Đức Hải, trong ngày 30-9, số BN nặng thở máy còn 1.568, giảm 110 người so với ngày 29-9; 2.046 BN nhập viện và 2.866 BN xuất viện; số ca tử vong do dịch xuống còn 96 so với 3 ngày trước lần lượt là 131, 113, 106. Như vậy, sau một thời gian dài, lần đầu tiên số ca tử vong do Covid-19 tại TP HCM đã xuống mức 2 con số.
“Đây là tín hiệu rất tích cực, lạc quan trong công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn TP” – ông Hải cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho hay tính đến ngày 30-9, trong kho của HCDC còn trên 600.000 liều vắc-xin Vero Cell, chưa kể số lượng đã phân bổ về 22 địa phương. Về tiêm chủng vắc-xin cho người trên 50 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 là 95%, mũi 2 đạt 60%, riêng mũi 2 đã tăng 15% so với 2 ngày trước.
Liên quan đến các chi phí điều trị Covid-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho hay sở sẽ tạm thanh toán cho cơ sở y tế tư nhân các chi phí bao gồm: chi phí ăn uống 80.000 đồng/người bệnh/ngày; phí sinh hoạt 40.000 đồng/người bệnh/ngày. Trường hợp người bệnh điều trị Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân tử vong, ngân sách nhà nước sẽ chi trả các chi phí mai táng. Sở Y tế đề nghị bệnh viện ngoài công lập không từ chối hoặc yêu cầu người mắc Covid-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí; không được thu thêm chi phí điều trị bệnh Covid-19 của người bệnh.
Kiểm tra ngẫu nhiên hơn 3.000 phương tiện
Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sau khi TP mở cửa, ngày 1-10 lượng hàng hóa về TP HCM đã tăng 5.137 tấn so với ngày 30-9, có thể giá cả sẽ giảm. Người dân muốn đi mua sắm tại chợ, siêu thị thì cần tuân thủ theo quyết định 3328 của TP, trong đó có các bộ tiêu chí cho người dân tham gia mua sắm. Ví dụ đi siêu thị, người đã tiêm 2 mũi vắc-xin sẽ được tham gia nhiều hơn. Hiện TP có 15/234 chợ, 106 siêu thị, 3.101 cửa hàng tổ chức hoạt động trở lại.
Về việc đón các lao động trở lại, theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, với các vùng lân cận, do người qua lại giữa các tỉnh phải có ý kiến của địa phương nên sở này đang phối hợp với các tỉnh để đưa ra phương án đón lao động của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trở lại. TP sẽ đón người về qua các đầu mối như UBND các địa phương, ban quản lý các doanh nghiệp.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết đến chiều 1-10, khoảng 28.600 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký lấy mã QR để hoạt động. Sở cũng tổ chức lực lượng để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký lấy mã QR.
Theo thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng Phòng Tham mưu – Công an TP HCM, trong ngày đầu tiên TP HCM thực hiện Chỉ thị 18, Công an TP HCM đã kiểm tra ngẫu nhiên khoảng hơn 3.000 phương tiện của người dân lưu thông trên đường, chủ yếu kiểm tra các lý do lưu thông trên đường theo Chỉ thị 18, chỉ nhắc nhở chứ chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Bộ Y tế cho biết ngày 1-10, cả nước ghi nhận 6.957 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.897 ca ngoài cộng đồng. So với ngày trước đó số ca mắc giảm gần 1.000 ca. Trong ngày, có thêm 27.250 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 636.081. Đến nay, nước ta đã tiêm gần 43 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong đó hơn 9,8 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
Ban hành Chỉ thị 18 về lộ trình “mở cửa” từ 1-10 Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ngày 30-9 đã ký ban hành Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, sau ngày 30-9, TP HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “An toàn là trên hết”, “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc-xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu. Theo chỉ thị, TP HCM cho phép nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, công trình xây dựng, hoạt động sản xuất, sinh hoạt xã hội được hoạt động trở lại. Ph.Anh |
Nguyễn Thuận – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Đường phố TP HCM đã nhộn nhịp trở lại trong ngày 1-10 Ảnh: Hoàng Triều
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/thoi-su/3-chi-so-lac-quan-ve-phong-chong-dich-o-tp-hcm-20211001230210634.htm