2020: Năm báo ứng của thiên nhiên?

Từ đầu năm đến tháng 10.2020, nhân loại đã phải chứng kiến hàng loạt thiên tai và dịch bệnh trên toàn cầu, phá vỡ mọi kỷ lục ghi nhận trước đó.

Các nhà khoa học khí tượng đã ghi nhận trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, từ 2000 – 2019, nếu chỉ tính sáu tháng đầu năm, trung bình có khoảng 185 hiện tượng thiên tai cực đoan đáng ghi nhận trên thế giới, thì chỉ trong nửa năm đầu 2020, số thiên tai trên thế giới đã vượt con số 207 trận.

Báo cáo ngày 23.7.2020 của Tổ chức Aon mang tựa đề “Global Catastrophe Recap: First Half of 2020”, đã ước tính thiệt hại do thiên tai trên toàn cầu chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 là 75 tỷ USD và số người chết là khoảng 2.200 người. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), trong 6 tháng đầu năm nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đã phá kỷ lục, nóng hơn 1,07 °C so với nền nhiệt trung bình của thế kỷ XX.

Từ cuối tháng 12.2019 đến tháng 1.2020, trận cháy rừng kinh hoàng kéo dài tại Úc đã thiêu rụi khoảng 18,6 triệu ha, phá hủy hơn 5.900 tòa nhà và giết chết ít nhất 34 người, trong khi hơn 400 người thiệt mạng do ngạt khói (theo báo cáo công bố trên Medical Journey of Australia). Cũng trong tháng 1.2020, thủ đô Jakarta của Indonesia đã phải hứng chịu một trận lũ lớn, nhiều vùng ngập sâu hơn 1, 5 mét, khoảng 66 người thiệt mạng do chết đuối hoặc lở đất, trong khi những người khác chết vì điện giật.

Ngày 12.2.2020, núi lửa Taal ở Luzon, Philippines phun trào trở lại sau 43 năm và tung tro bụi khổng lồ đi xa hơn 100km, khiến hơn 300.000 người phải di tản. Ngày 1.3.2020 Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia (NDRRMC) và Viện Địa chấn và Núi lửa Philippines (PHIVOLCS) đã báo cáo tổng cộng 2.484 trận động đất kiến tạo núi lửa ở khu vực lân cận, 176 trong số đó đã được cảm nhận.

Trong những tháng nửa đầu năm 2020, các nước vùng Caribe, Thổ Nhĩ Kỳ, Caribe, Trung Quốc, Iran, Nga, Philippines và Ấn Độ chịu nhiều trận thảm họa động đất. Nếu chỉ thống kê số trận động đất có cường độ trên 6 độ richter, thì đã có 45 trận, trong đó Jamaica và Nga có trên 7 trận. Thiên tai lũ lụt, bão tố, mưa lớn đồng loạt xảy ra ở Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc làm ngập chìm nhiều vùng rộng lớn, hư hại mùa màng và cơ sở hạ tầng. Bão lũ trong 6 tháng đầu năm đã làm thiệt hại kinh tế 15 tỷ USD ở vùng Vịnh Bengal và khoảng 6 tỷ USD ở Trung Quốc.

Dịch bệnh có thể là một phần thiên tai và biến đổi khí hậu, dù những minh chứng khoa học chưa nhiều và rõ ràng. Trong đầu năm 2020, hàng tỷ, hàng triệu con châu chấu xuất hiện ở Đông Phi, Ấn Độ và Trung Quốc tàn phá mùa màng, cây rừng. Mật độ châu chấu rất cao: đến 150 triệu con/km2. Đây là nạn dịch côn trùng lớn nhất sau 26 năm qua, tàn phá châu Phi và một phần châu Á. Dịch bệnh khủng khiếp nhất trong năm 2020 là dịch cúm từ vi rút Corona.

Đợt bùng phát đầu tiên được xác định vào tháng 12.2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc và ngày 11.3.2020 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố corona virus, với tên gọi phổ biến hiện nay COVID-19, là một đại dịch. Đã có hơn 40 triệu người trên thế giới bị nhiễm và hơn 1,1 triệu người tử vong. Hiện thời, vẫn chưa có vaccine hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh quái ác này.

Tại Việt Nam, trong khi vùng đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến mùa khô năm 2020 rất khốc liệt, mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền thì mùa mưa 2020 lượng nước trên sông Mekong khá thấp, gần như không chảy ngược vào Biển Hồ. Trong khi đó, khu vực miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi liên tiếp hứng các trận bão, mưa lớn liên tiếp đổ bộ vào đất liền gây những trận lụt rộng lớn, ngập sâu, gây thiệt hại nặng về vật chất và con người.

Mưa lớn còn gây nhiều trận sạt lở kinh hoàng và đau thương, cô lập nhiều vùng dân cư, gây thiệt hại lớn về nhân mạng và phá hủy đường sá. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ghi nhận 5 tuyến sông: Kiến Giang tại Quảng Bình; sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu tại Quảng Trị; sông Bồ tại Thừa Thiên – Huế, mực nước lũ đã vượt mức lịch sử. Tính đến nay, thống kê chưa đầy đủ, đã có 113 người chết do các thảm họa thiên nhiên này, còn thiệt hại vật chất chưa tính hết được.

Hiện trường núi lở vùi lấp cả ngôi làng ở Trà Leng. Ảnh: Cảnh Huệ/Báo Tiền Phong

Khu vực miền Trung vốn là vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ cao nhất nước, có những vụ ngập lụt rất nặng như năm 1999. Tuy nhiên, điều bất ngờ và bi thương nhất là hiện tượng sạt lở xảy ra hàng loạt và nặng nề, gây mất mát nhiều nhân mạng. Trước kia, ở khu vực miền núi, tình trạng mưa bão và sạt lở cũng từng xảy ra nhưng chưa năm nào nặng nề như 2020. Trận lụt lịch sử năm 1999, nước lên rất cao, cuốn trôi nhiều nhà cửa, công trình và làm thiệt mạng hơn 500 người ngoài biển và trong đất liền. Tuy mưa bão năm 2020 không lớn hơn năm 1999 nhưng sạt lở đã phá những kỷ lục thiệt hại nhân mạng trước đó. Chỉ trong hơn một tuần lễ từ 12 – 20.10.2020 đã liên tiếp xảy ra 4 vụ sạt lở đất kinh hoàng tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3; Trạm Kiểm lâm Sông Bồ tỉnh Thừa Thiên – Huế; tại Sở Chỉ huy Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 ở Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; và tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Hơn hai thập niên qua, hàng loạt công trình thủy điện loại vừa và nhỏ ra đời trên các sông suối ở miền Trung. Song song với việc phát triển thủy điện, rừng nguyên sinh trên các vùng núi mất đi nhanh chóng, trung bình cứ 1 MW công suất lắp máy thủy điện thì ít nhất khoảng 1 ha rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, kể cả rừng trong khu bảo tồn bị hủy diệt và không có cơ may phục hồi. Mặc dầu có quy định bắt buộc phải trồng bù rừng bị tàn phá do thủy điện nhưng diện tích trồng lại thực tế rất ít, rừng trồng rải rác và không được chăm sóc.

Đất ở những nơi mất rừng hoặc trồng rừng lại đã mất đi lớp phủ thực vật và hệ thống rễ chắc chắn. Hệ quả là với những trận mưa lớn, đất trở nên nhanh chóng bị hóa nhão, mất ổn định và dễ đổ nhào. Không thể phủ nhận thủy điện là thủ phạm hủy hoại nhiều đất rừng, ngoài các nguyên nhân khác như khai thác trộm, chặt cây bất hợp pháp. Biến đổi khí hậu vốn là một hệ quả từ sự gia tăng phát thải khí nhà kính, gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, gia tăng cường độ và tần số thiên tai như bão tố, mưa lớn bất thường. Mưa lớn, thủy điện nhỏ và vừa kém khả năng điều tiết lũ, cộng thêm sự mất đất rừng nhanh chóng đã làm gia tăng nguy cơ sạt lở, phá hủy hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và thiệt hại to lớn về con người và kinh tế – xã hội.

Hoạt động của con người đã tác động xấu vào thiên nhiên thì một ngày nào đó thiên nhiên lại tàn phá con người nặng hơn gấp nhiều lần. Vấn đề này không mới, đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng khi lòng tham của một số người và các chính sách phát triển sai lầm, ăn xổi ở thì vẫn chưa được sửa chữa thì vấn đề vẫn ngày một phức tạp và khó giải quyết hơn.

PGS-TS. Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ

Theo Người đô thị

Ảnh: Một số vùng ở Thừa Thiên – Huế bị ngập sâu trong lũ. Ảnh: VGP