17 năm, mới xây dựng được 1.160 km cao tốc; 4 năm tới, sẽ đầu tư 1.800 km

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, theo quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam có 22 tuyến cao tốc với tổng chiều dài hơn 5.870 km, nhưng hiện mới có 1.160 km, đạt xấp xỉ 20%.

17 năm xây dựng mới có hơn 1.160km cao tốc

Tháng 12/2004, tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước là TP.HCM – Trung Lương được khởi công trong niềm vui của người dân Nam bộ. Tuyến đường dài 61 km chỉ dành cho ôtô, vận tốc 120 km/h, kinh phí 9.880 tỷ đồng bằng vốn vay ODA. Đây là mức đầu tư cao kỷ lục thời đó do có hơn 20 km đi trên cầu cạn.

Sau 6 năm, tuyến đường hoàn thành, ôtô từ TP.HCM đến Tiền Giang chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì 90 phút chạy trên quốc lộ 1.

Hai năm sau, tuyến cao tốc đầu tiên ở phía Bắc là Cầu Giẽ – Ninh Bình được khởi công bằng vốn vay ODA, nối với đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (khi đó chưa được nâng cấp là cao tốc), giúp phương tiện đi lại thuận lợi ở cửa ngõ phía nam Hà Nội.

Từ hiệu quả của hai tuyến cao tốc và tính cấp thiết phải đầu tư xây dựng, đến năm 2008, Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020, gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873 km.

Trong đó trục dọc Bắc Nam có 2 tuyến cao tốc dài 3.263 km, phía Bắc có 7 tuyến, miền Trung và Tây Nguyên 3 tuyến, phía Nam 7 tuyến, vành đai cao tốc đô thị Hà Nội và TP.HCM 5 tuyến.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tháng 1/2011 cũng xác định hệ thống kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, là điểm nghẽn của quá trình phát triển; đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Nghị quyết đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có 2.000 km cao tốc.

Tuy nhiên, sau 13 năm kể từ khi có quy hoạch, đến nay Việt Nam mới xây dựng được 1.163 km cao tốc.

Trong đó đến năm 2010 chỉ đưa vào khai thác được 89 km cao tốc, gồm Đà Lạt – Liên Khương dài 19 km, Láng – Hòa Lạc dài 30 km, TP.HCM – Trung Lương dài 40 km. Giai đoạn tiếp theo đến 2020 khai thác thêm 1.074 km. Ngoài ra, còn 916 km đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Tại dự án cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đến nay, nhà đầu tư vẫn ngóng chờ phần vốn hỗ trợ của Nhà nước

Bộ GTVT đánh giá, tốc độ xây dựng cao tốc ở Việt Nam mới đạt bình quân 74 km mỗi năm, bằng 1,5% tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc. Mạng lưới hiện nay mới hoàn thành 35% so với quy hoạch (tính cả số đang xây dựng) và đạt 48% mục tiêu Nghị quyết.

4 năm làm 1.800km cao tốc: Cần sự đồng lòng từ Trung ương đến địa phương

Lý giải nguyên nhân tốc độ xây dựng cao tốc chậm, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nguồn lực đất nước hạn chế, vốn ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống quốc lộ. Vì thế, một số tuyến cao tốc giai đoạn trước 2010 được triển khai từ nguồn vốn ODA.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ nguồn vốn mà cơ chế, chính sách cũng thiếu đồng nhất khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Điều này cũng lý giải vì sao tại dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông trong giai đoạn 2017-2021, Bộ GTVT đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án theo phương thức PPP, nhưng 5 dự án không có nhà đầu tư quan tâm; 3 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư nhưng 2 dự án vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng để triển khai (đến cuối tháng 12/2021).

Và đến dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 toàn bộ 12 dự án thành phần sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thay vì PPP.

Tại Hội nghị Tổng kết Bộ GTVT mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2025 hoàn thành toàn bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông 2.063km và 3.000km cao tốc trên toàn quốc.

Theo Phó Thủ tướng, đến ngày 31/12/2021, cả nước đã có 1.200km đường cao tốc. Còn 1.800km đường cao tốc tới năm 2025 phải hoàn thành.

Theo Phó Thủ tướng, nếu tháng 1/2022, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tiếp 729km đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 thì Bộ GTVT cần có giải pháp cụ thể để khởi công toàn bộ 12 dự án vào cuối năm 2022 để hoàn thành đúng thời hạn.

Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để thông suốt toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào năm 2025.

Ngân Tuyền – Báo ANTĐ

Theo An ninh Thủ đô

Ảnh: Cao tốc TP.HCM-Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước

Xem bài viết gốc tại đây:

https://anninhthudo.vn/17-nam-moi-xay-dung-duoc-1-160-km-cao-toc-4-nam-toi-se-dau-tu-1-800-km-post491728.antd